Posts filed under ‘Research’

PR và báo chí- Ăn vào tương lai

Quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp. Nên hay không nên kết thân với doanh nghiệp? Sử dụng hạ sách hay không khi đi tìm sự thật?

Trần Ngọc Châu

Phần lớn các giáo trình báo chí cho rằng nếu xây dựng mối quan hệ anh em với doanh nghiệp hay doanh nhân, báo chí có nguy cơ “ăn vào tương lai”. Tại sao? Vì hệ luận của mối quan hệ này không sớm thì muộn,cũng tạo ra một nền báo chí mất cân bằng (asymmetric). Tiến sĩ Michael Schudson, khoa báo chí trường đại học California ở San Diego cho rằng “tính khách quan” là một tiêu chuẩn không thay đổi của báo chí. Vì tính khách quan đó của sự thật mà nhà báo luôn cô đơn. Nhà báo càng phải tự mình cô lập khỏi sự thân thiết với những người có tiền (doanh nhân) và những người có quyền (nhà chính trị). Nhưng với nghề săn tin, liệu đây có phải là nghịch lí khi nhà báo phải lăn lộn vào thực tế để tìm ra sự thật? Các nhà báo có phải áp dụng triết lí “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” hay không?

“Nhúng” vào doanh nghiệp

Thuật ngữ báo chí thời thượng là embedding (tức là “nhúng” nghĩa là các phóng viên “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm” với thực tế hay nguồn tin) . Khi nền kinh tế bao cấp của chúng ta ở vào thời điểm chuyển đổi sang  giai đoạn đầu của kinh tế thị trường, nhiều nhà báo đã trở thành “bạn” hay “cố vấn” của doanh nghiệp. Công ty Minh Phụng là một thí dụ. Đó là một công ty may xuất khẩu có qui mô 5.000 công nhân. Nếu đi theo hướng chuyên ngành đó có lẽ họ đã yên ổn. Nhưng họ lại chuyển sang địa ốc-một ngành nhiều rủi ro nhưng có siêu lợi nhuận, đặc biệt vào thời điểm những năm 90, luật lệ của chúng ta còn rất bất cập và mơ hồ. Khi công ty vỡ nợ (thuật ngữ trên báo chí vào thời điểm đó là “mất khả năng chi trả”), người chủ của công ty là ông Tăng Minh Phụng chịu án tử hình. Vấn đề ở đây là liệu có nhà báo nào đã là bạn hay cố vấn cho ông? Trong “vương quốc của tin đồn” xuất hiện nhiều cái tên nhà báo. Mặc dù không có một công bố nào về vấn đề này, nhưng câu chuyện đã đưa đến kết luận: nhà báo, bất cứ lí do nào, cũng không được tư vấn hay có mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp.

Tốt hơn bạn nên giữ bàn tay sạch và theo phương châm “kính nghi viễn chi” trong quan hệ với doanh nghiệp. Vào ngày 31/5/2004, , tại Hội nghị quan hệ công chúng toàn cầu tổ chức tại Lousiana Hoa Kỳ, hai tác giả Jae-Hwa Shin và Glen T. Cameron kết luận rằng trong khi giao tiếp qua 11 hình thức quan hệ không chính thức[i] giữa doanh nghiệp và báo chí thì các nhà báo cảm thấy mặc cảm tội lỗi nhiều hơn so với các giám đốc PR của doanh nghiệp. 641 người bao gồm nhà báo và giám đốc công ty Hàn Quốc đã tham gia cuộc khảo sát này.

Sử dụng phương pháp phân tích hội tụ, hai tác giả đã khảo sát phản ứng của mỗi nhóm về khía cạnh đạo đức của từng loại quan hệ không chính thức, ví dụ: bạn cho rằng “nhận bì thư” tại các cuộc họp báo là chấp nhận hay không chấp nhận?

Cả hai nhóm ( nhà báo và giám đốc) đều có những phản ứng hết sức khác nhau. Nhóm các giám đốc doanh nghiệp đánh giá cao ảnh hưởng của các hình thức” quan hệ không chính thức” và cho rằng chúng không có vấn đề gì về đạo đức và có thể chấp nhận được. Trong khi đó, nhóm các nhà báo thì cho rằng khó chấp nhận các hình thức “quan hệ không chính thức” vì đã vi phạm đạo đức nhà báo.

Nhóm giám đốc doanh nghiệp hiểu lầm về đạo đức báo chí nhiều hơn là nhóm nhà báo hiểu lầm về đạo đức kinh doanh của giám đốc. Nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng ngay ở một nền báo chí cởi mở như Hàn quốc với các câu lạc bộ báo chí duy trì thường xuyên giao lưu giữa doanh nghiệp và nhà báo, thì suy nghĩ về đạo đức của hai giới này cũng rất khác nhau.

Ý kiến tương đồng giữa nhà báo và giám đốc

Nhà báo tự đánh giá

Nhà báo đánh giá giám đốc

GĐ đánh giá nhà báo

Ggd

               H1                                       H2

 

 

 

 

 

H1: khớp nhau giữa giám đốc đánh giá nhà báo và tự đánh giá của nhà báo.

H2: khớp nhau giữa nhà báo đánh giá giám đốc và tự đánh giá của giám đốc.

 

 

 

 

 

Bàn tay bẩn

Tuy vậy bạn hãy đọc qua ví dụ dưới đây (đăng trên báo mới.com ngày 30/3/2010):

“Năm 1992, sau rất nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, cùng với một số người bạn, Dương thành lập công ty  xây dựng Bích Quế Viên (Country Garden Holdings) và cho xây 4.000 căn biệt thự. Tuy nhiên, một năm sau, thị trường đất đai của Hồng Kông vừa trải qua cơn sốt đất, nên trong 4.000 căn hộ được xây dựng, Cty Bích Quế Viên của Dương Quốc Cường chỉ bán được 3 căn. Nguy cơ phá sản hiện hữu trước mắt Cty non trẻ.Không bó tay chờ chết, Dương mời một phóng viên của Tân Hoa Xã tới bàn hướng thoát khỏi cảnh tay trắng. Mô hình “Thành phố trường học” ra đời từ sau cuộc bàn bạc đó. Điều này đồng thời mang lại cho Cty Bích Quế Viên 390 triệu NDT!”

Phóng viên Tân Hoa Xã này (không nêu tên) liệu anh ta có được trả tiền để viết bài về “điển hình thành đạt “ hay trả công cho những ‎ í tưởng làm ăn của anh đóng góp với nhà tỉ phú?

Tại Thời Báo Kinh tế Sài gòn, chúng tôi thường khuyên phóng viên nên “la cà”, thậm chí cà phê hay nhậu với doanh nhân (thuật ngữ báo chí thế giới là”embedding”) để có những thông tin giá trị-những thông tin mà “những bàn tay bẩn” [ii] mới nắm bắt được. Đối với nhà báo, cốt lõi vẫn là sự thật. Anh phải được biết sự thật. Nguồn tin sẽ không nói hết sự thật cho anh nếu anh không trở nên tín cẩn với họ.

Thật ra ở đây nên tách hai vấn đề: một là thực hành luật pháp và thực hành đạo đức nhà báo.

Không ít án oan hay “tình ngay lí gian”. Nhà báo trước hết là một con người và một công dân. Anh ta (hay chị ta) phải tuân thủ pháp luật. Nếu một nhà báo bị chứng minh là “tư vấn cho doanh nghiệp” và sau đó doanh nghiệp bị chứng minh là “lừa đảo” thì đương nhiên nhà báo phải ra trước vành móng ngựa. Thật ra pháp luật và công lí không thể đã “gạn lọc” hết những người phạm luật-một việc mà đạo đức có thể làm được. Một nhà báo có thể bị tù vì nói lên sự thật, như vậy anh vẫn yên ổn với tòa án đạo đức của anh. Bạn nghe vậy chắc nghĩ rằng lập luận đó hoàn toàn vô nghĩa về mặt thực tế.Nhưng bạn nên nhớ rằng  nền tảng của mọi hành vi con người kể cả hành vi chuyên nghiệp của nhà báo chúng ta, cũng phải được điều khiển bởi bộ máy í thức. Một người điên dù giết người vẫn vô tội.

Không dùng hạ sách

Theo chúng tôi, đạo đức nhà báo hầu hết nằm trong phương pháp nắm bắt sự thật chứ không phải cách thức công bố sự thật. Nếu anh dùng phương pháp vô đạo đức (mang tính lừa mị) để lấy thông tin thì thông tin anh công bố cũng không đạo đức. Tất nhiên phải có giả định rằng còn rất nhiều phương pháp “chánh đạo” tiềm năng mà nhà báo chưa tận dụng hết. Ví dụ: năm 1989, nhóm phóng viên chính trị-xã hội báo Tuổi Trẻ phải giả dạng những khách ăn chơi vào ổ nhện Đường Sơn Quán để làm phóng sự điều tra các cán bộ tha hóa. Họ đã trở nên “người nhà” của chủ quán và đã đánh lừa bà để lấy cả album hình ảnh…Nếu xét theo khía cạnh chuyên nghiệp báo chí thì họ đã thành công khi tiếp cận sự thật trần trụi, và bài báo đã rất thuyết phục công chúng, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về đạo đức. Nhưng họ vẫn bị giới truyền thông và cả công chúng (nhiều năm sau)  “xét lại” vì phương pháp mà họ sử dụng trong trường hợp này là rất “hạ sách”, trong khi họ còn nhiều khả năng tiếp cận khác đứng đắn hơn (mất nhiều công sức và thời gian hơn, tất nhiên!).

Cuộc đấu tranh không ngừng về đạo đức của người làm báo chuyên nghiệp (ở ta rất nhiều người có thẻ hành nghề nhưng lại thiếu chuyên nghiệp) là đấu tranh giữa một bên là sự thật và một bên là cách nắm bắt sự thật.

Chúng ta phải hành nghề với triết lí “bàn tay bẩn” (theo nghĩa đen) thì mới có thể dấn mình vào thực tế mà moi ra sự thật.

Tuy vậy, không thể ngụy biện rằng “vì sự thật” mà tôi có thể hi sinh những chuẩn mực hành nghề. Công chúng có thể tung anh lên mây vì những thông tin mà anh công bố, anh có thể làm thay đổi nhận thức của công chúng về một vấn đề này hay vấn đề khác. Nhưng tất cả là ngắn hạn. Nếu sau này người ta biết rằng anh đã sử dụng phương pháp lừa mị, không ngay thẳng, thiếu chuyên nghiệp của nghề báo để lấy thông tin thì công chúng –vốn vô tình và thẳng thắn- sẽ hoài nghi và dẫn tới sụp đổ lòng tin về sự trung thực .

Nếu tác nghiệp bằng phương pháp hạ sách thì chẳng khác nào nhà báo đang ăn dần tương lai.

Quan hệ với doanh nghiệp đương nhiên phải có vì đó là nguồn tin của anh, nhưng anh vượt qua giới hạn đó , được hưởng lợi gián tiếp từ thông tin mà nhờ nghề báo anh có được,thì trước sau gì anh cũng bị hủy hoại tên tuổi và phải từ bỏ nghề báo-một trong những nghề gần nhất với tôn giáo như bậc thầy lí luận báo chí Bill Kovat đã viết trong tác phẩm “Các thành tố của nghề báo” (The elements of Journalism). [iii]

TNC

Tháng 5/2010


[i] 11hình thức quan hệ không chính thức với nhà báo:

  1. cổ phiếu ưu đãi
  2. mời cơm
  3. tham quan thực tế
  4. dự khai trương, động thổ
  5. việc làm cho người thân, bạn bè nhà báo
  6. tài trợ
  7. quảng cáo
  8. du lịch nước ngoài
  9. quà (lễ, tết…)
  10. thưởng
  11. bì thư họp báo

[ii] Những bàn tay bẩn (Les mains sales) là một vở kịch nổi tiếng của nhà văn (kiêm triết gia Pháp-chủ xướng trường phái triết học hiện sinh) Jean Paul Sartre nêu lên nghịch lí giữa giá trị đạo đức cá nhân và nghĩa vụ của tổ chức giao phó.

[iii] Bill Kovach (2001): “Journalism is the closest thing I have to a religion.”

Tháng Tư 16, 2011 at 1:36 sáng 1 Bình luận


Lịch

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Posts by Month

Posts by Category